Vào ngày 03/12 vừa qua, cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc rất vinh dự được đón Phó thủ tướng chính phủ Trịnh Đình Dũng sang thăm. Có mặt ở Đại sự quán Việt Nam tại Hàn Quốc từ 10h sáng, Phó thủ tướng cùng các Thứ trưởng Bộ công thương, Bộ Kế hoạch đầu tư, giao thông vận tải, Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ ngoại giao và các quan chức cấp caođã có buổi gặp gỡ đại diện cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc.
Đặc biệt vào buổi chiều cùng ngày, Phó Thủ tướng cùng Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ Bùi Thế Duy đã có buổi gặp gỡ các nhà khoa học Việt Nam tại Hàn Quốc. Buổi tọa đàm được tổ chức bởi Văn phòng Khoa học & Công nghệ Việt Nam và cùng sự phối hợp của Hội sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc, với nội dung xoay quanh tình hình nghiên cứu của cộng đồng Du học sinh Việt nam tại Hàn Quốc, thách thức và cơ hội phát triển trong xu thế 4.0 đang phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Góp mặt trong buổi tọa đàm, bên cạnh Phó Thủ tướng và Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ, phó Đại sứ Trần Trường Thủy, Tham tán Ngô Văn Mơ- Trưởng VP KHCN, Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc – Anh Vũ Đức Lượng, còn có sự tham gia của gần 30 nhà khoa học tiêu biểu hiện tại đang là các chuyên gia, nghiên cứu sinh tiến sĩ, thạc sĩ đang học tập, sinh sống và làm việc tại các trường Đại học và Viện nghiên cứu hàng đầu tại Hàn Quốc.
Buổi tọa đàm bắt đầu bằng lời giới thiệu của Thứ trưởng Bùi Thế Duy về mối quan hệ hợp tác trên các phương diện kinh tế, công nghệ thông tin, xây dựng, năng lượng tái tạo… của hai nước Việt Nam – Hàn Quốc.Tiếp theo, anh Vũ Đức Lượng, chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc đã báo cáo với phó thủ tướng và Đoàn công tác về tình hình chung của Hội sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc.
Sau đócác chuyên gia và nghiên cứu sinh đã có buổi thảo luận rất sôi nổi với Phó Thủ tướng và Thứ trưởng về những đề tài khoa học và ứng dụng công nghệ đang cực kì nóng hổi và rất có thể sẽ được sử dụng để ứng dụng và phát triển trong thời đại 4.0 tại Việt Nam
Cũng tại buổi tọa đàm, chị Trần Thị Như Hoa -đại diện các chuyên gia ngành công nghệ Nano có bài phát biểu với Cương vị là trưởng ban khoa học của Hội sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc, đã có những thành tích kết nối các chuyên gia trong các lĩnh vực đầu ngành như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, xây dựng, Bio Nano, vật liệu,..Thông qua Hội thảo khoa học sinh viên được tổ chức hằng năm. Chị hi vọng các chuyên gia và các nhà khoa học trẻ đã và đang học tập nghiên cứu tại Hàn Quốc có thể kết nối được với nhau hơn , tạo nên tiền đề phát triển lớn hơn, đó là sự liên kết giữa Hàn Quốc và Việt Nam
Tiến sĩ Lê Huy Việt - Chuyên gia đại diện ngành Xây dưng hiện đang nghiên cứu sau Tiến Sĩ (Post Doc) thuộc khoa Xây dựng của trường đại học Sejong trình bày về chủ đề đang nghiên cứu chuyên sâu: “ Bê tông có cường độ siêu cao, có khả năng tự cảm ứng vết nứt và tự liền vết nứt và ứng dụng trong Ngành xây dựng”. Đặc biệt , với xu hướng tái chế, bảo vệ môi trường thì anh đang nghiên cứu việc chế tạo loại vật liệu xây dựng này từ các phế phẩm công nghiệp. Anh nhấn mạnh đây là hướng nghiên cứu rất triển vọng cho ngành xây dựng của Việt Nam
Anh Nguyễn Lê Trí Đăng nghiên cứu sinh ngành năng lượng tái tạo thuộc Viện khoa học và công nghệ Hàn Quốc (KIST) phát biểu: thay vì các nguồn năng lượng đang được sử dụng như thủy điện thì nguôn, nhiệt điện, năng lượng hóa thạch ,.. thì hướng nghiên cứu hiện tại về nguồn năng lượng tái tạo , nguồn năng lượng sạch là rất cần thiết.
Anh Đạt – Nghiên cứu sinh sau Tiến sĩ (Post Doc) tại trường Sungkyunkwan, có đưa ra câu hỏi liên quan đến vấn về trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra. Cụ thể, tại Việt Nam, Đảng và nhà nước ta có định hướng như thế nào về việc đầu tư cho nền công nghệ 4.0? Đồng thời, Đảng nhà nước có những chính sách như thế nào để các nghiên cứu sinh sau quá trình nghiên cứu ở nước ngoài, quay trở về Việt Nam có thể được cung cấp đủ điều kiện nghiên cứu để có thể tận dụng,phát huy tối đa những gì đã được học hỏi ?
Anh Vũ Quang Việt - Nghiên cứu sinh ngành Xây dựng tại trường đại học có đưa ý kiến về vai trò quản lí thông tin của các Hiệp hội nên được nâng cao , nên tập trung về các mảng như cập nhật thông tin các tiêu chuẩn mới , kết nối hơn với các Hiệp hội quốc tế, tạo nên cổng thông tin để cộng đồng nghiên cứu sinh có thể chia sẻ , tương tác trực tiếp thông tin kiến thức mình học được như mong muốn.
Anh Kiều Ngọc Dịch Vụ (Dân tộc Chăm) - nghiên cứu sinh ngành Cơ khí tự động tại trường đại học Ga chon đưa câu hỏi : Hiện tại chính phủ đã có những chính sách khuyến khích học sinh sinh viên đồng bào dân tộc thiểu số như thế nào?
Sau buổi thảo luận vô cùng hào hứng đa dạng trên các chủ đề, chứng minh nỗ lực và năng lực sáng tạo vô hạn của thế hệ trẻ nói chung và cộng đồng sinh viên nghiên cứu sinh Việt Nam, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có bài phát biểu để tổng kết lại các vấn đề nóng hổi và những thắc mắc từ phía cộng đồng chuyên gia nghiên cứu sinh, kết thúc buổi Tọa đàm như sau : “Sáng nay tôi đã làm việc với thủ tướng Hàn quốc rất thành công. Như chúng ta đã biết, đất nước ta đang đổi mới, phát triển theo con đường con đường công nghiệp hóa hiện đại hóa. Làm thế nào để đưa Việt Nam từ nước nông nghiệp lạc hậu trở nên công nghiệp hóa hiện đại hóa, rút ngắn khoảng cách với các nước đang phát triển trong khu vực và trên thế giới. Đó là bài toán lớn đối với chúng ta” .
Phó Thủ tướng cũng đề cập trong chiến lược phát triển kinh tế 10 năm giai đoạn 2011-2020 đã xác định là phải nhanh chóng đưa nước ta trở thành nước cơ bản công nghiệp. Và để thực hiện mục tiêu này, Đảng ta đã đề ra nhiều chiến lược, trong đó chủ yếu là tạo ra môi trường để huy động nguồn lực phát triển đất nước.
Trước tiên là môi trường pháp luật để hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật , cơ chế., kinh tế thị trường giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng và phát triển, giữa phát triển kinh tế và phát triển xã hội ,giảm cách biệt giàu nghèo , định hướng xã hội chủ nghĩa. Ví dụ như các chính sách hỗ trợ, như các câu hỏi của các bạn nghiên cứu sinh vừa rồi đều có trong chính sách : hỗ trợ vay vốn, cử tuyển, khuyến khích cho học sinh miền núi,...hỗ trợ khi mà tốt nghiệp thì quay trở về Việt Nam sẽ được bố trí công tác theo nguyên tắc của kinh tế thị trường. Yêu cầu cá nhân mỗi học sinh cần có khả năng tự cạnh tranh trong cơ chế thị trường khốc liệt.
Vấn đề thứ 2 Phó Thủ tướng nhấn mạnh là cần đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng 1 cách đồng bộ. Kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, nặng lượng giáo dục, văn hóa, y tế, đô thị. Trong đó lấy trọng tâm là phát triển kết cấu giao thông và đô thị, cần tập trung bởi vì có giao thông đi trước sẽ rút ngắn được khoảng cách cho các vấn đề khác.
Phó thủ tướng cũng đồng tình với quan điểm của nghiên cứu sinh về việc phải có những cơ chế chính sách, tổ chức để có 1 hệ thống để tiêu thụ những sản phẩm thành quả của các nghiên cứu sinh.
Phó thủ tướng còn nhấn mạnh về vấn đề phát triển nguồn nhân lực sao cho phù hợp với nhu cầu của thị trường. Cùng với đó, Đảng và nhà nước ta cũng đang tập trung tái cấu trúc lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng hợp lí để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tái cấu trúc lại nền kinh tế dựa trên cơ sở công nghệ , dựa vào tri thức thay vì chỉ dựa vào vốn đầu tư và nguồn lao động. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu về kinh tế , Phó thủ tướng cũng đề cập đến những khó khăn vẫn còn tồn đọng.
Đó là những thách thức về những xu hướng biến động của thế giới . Các chính sách bảo hộ của nhiều nước trên thế giới ảnh hưởng rất nhiều đến nền kinh tế , những thách thức về an ninh trong khu vực, tranh chấp biên giới lãnh thổ vẫn diễn ra , vấn đề biến đổi khí hậu,...Đặc biệt sự tiến bộ của khoa học công nghệ là cơ hội để chúng ta tận dụng phát triển song cũng là thách thức lớn nhất đối với Việt Nam
Phó thủ tướng khẳng định vài trò đội ngũ khoa học, đội ngũ trí thức là vô cùng quan trọng , quyết định chất lượng phát triển kinh tế của mỗi đất nước của mỗi quốc gia. Vì thế cho nên Đảng ta luôn luôn quan tâm để đào tạo đội ngũ khoa học, coi đây là quốc sách.
Muốn bản thân trở thành một hạt nhân không những giúp cho bản thân mà còn giúp ích cho xã hội , thì Phó Thủ tướng nhấn mạnh rằng Việt Nam là chính là mảnh đất thuận lợi nhất để cho chúng ta khởi nghiệp, sáng tạo. Nhà nước có rất nhiều chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Lời cuối cùng, Phó Thủ tướng đã gửi gắm đến tất cả các chuyên gia, nghiên cứu sinh, các tri thức trẻ có mặt trong buổi tọa đàm một thông điệp thật sự ý nghĩa, rằng hay luôn phát huy truyền thống hiếu học, truyền thống bất khuất của dân tộc, yêu quê hương yêu đất nước. Về phía Hội sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc, hãy luôn đoàn kết, gắn bó tương trợ lẫn nhau, làm thế nào khẳng định văn hóa Việt Nam để người Hàn Quốc nói riêng và công dân thế giới nói chung phải tôn trọng con người, dân tộc Việt Nam thông minh, sáng tạo, chăm chỉ và không kém phần bản lĩnh.
Nhận xét